Tin về sự xuất hiện của hai “ông lớn” McDonld’s và Starbucks hứa hẹn lĩnh vực kinh doanh ăn uống ở Việt Nam sẽ càng trở nên náo nhiệt.
Càng đông càng vui
Giới kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống đón nhận tin tức một cách khá bình thản, bởi họ tiên liệu sớm hay muộn, thì hai ông lớn này cũng sẽ đến. Và cũng không phải lần đầu họ chạm trán với các đối thủ nặng ký này, mà đã từ lâu thị trường đã diễn ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ông Pornchai Thuratum, Tổng giám đốc KFC Việt Nam, cho rằng việc đối thủ McDonald’s vào Việt Nam không hề là sự đe dọa đối với doanh nghiệp ông, mà chỉ sẽ làm cho bầu không khí của làng thức ăn nhanh trở nên vui hơn, nhộn nhịp hơn, và cạnh tranh hơn.
Theo ông Thuratum, chiến lược của KFC Việt Nam nhất quán với chiến lược toàn cầu của thương hiệu này. Vì thế, dù có hay chưa có đối thủ McDonald’s ở Việt Nam, cả bộ máy của KFC Việt Nam vẫn vận hành theo một giả định là đối thủ đang hiện hữu. Cho đến nay, KFC đang rất thành công với 124 cửa hàng trên toàn quốc, và là thương hiệu thức ăn nhanh được ưa thích nhất ở Việt Nam, chiếm 65% thị phần.
Một cửa hàng KFC Việt Nam.
Ở trong nước, thương vụ Jollibee mua lại chuỗ cà phê Highland được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Có người nhận định đây là một sự phòng bị để phản ứng với chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam của Starbucks vào năm sau. Cũng có ý kiến cho rằng đây là một sự mở rộng kinh doanh của công ty đến từ Philippines này. Jollibee đã tăng vốn lên 20 triệu đôla Mỹ để mở rộng chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh vốn đã vượt qua con số 30. Còn Burger King thì đang chuẩn bị trong tháng 10 này sẽ khai trương nhà hàng lớn nhất của hãng ở Việt Nam.
Một chuyên gia về phát triển nhượng quyền ở Việt Nam bình luận tuyên bố vào thị trường Việt Nam của McDonald’s và Starbucks gây sự tò mò thú vị hơn là sự mong đợi cơ hội kinh doanh từ các doanh nghiệp Việt Nam, hay sự hưởng ứng tích cực của thị trường. Thông thường, khi các tập đoàn tuyên bố tham gia thị trường có thể ngầm hiểu rằng họ đã có sẵn đối tác liên doanh hay nhượng quyền cũng như chiến lược riêng. Chuyên gia này cũng cho rằng các thương hiệu khác như KFC, Lotteria, Jollibee…cũng sẽ không bất ngờ hay lo lắng trước sự xuất hiện của McDonald’s. Lý do là ở những thị trường khác như Trung Quốc, Singapore, Philippines hay Hàn Quốc, các thương hiệu này vẫn cạnh tranh sòng phẳng với nhau. Theo ông “ngay cả khi không có sự xuất hiện của McDonald’s, họ vẫn luôn tăng tốc mở rộng hoạt động vì lĩnh vực kinh doanh nhà hàng theo chuỗi này chỉ đạt được khi có số lượng cửa hàng hợp lý, và chính các thương hiệu sẽ cạnh tranh khốc liệt với nhau”.
Tại thị trường Trung Quốc hiện nay, McDonald’s vẫn đứng sau Yum!, tập đoàn sở hữu hệ thống KFC. Còn ở Philippines, Jollibee vẫn có số lượng cửa hàng áp đảo McDonald’s…
Liên tục trong thời gian qua, nhượng quyền đã trở thành một làn sóng kinh doanh sôi động. Hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là trong ngành thực phẩm, đã có các cuộc tiếp xúc tìm hiều, nghiên cứu thị trường, tìm đối tác để mở các cửa hàng đầu tiên. Và như thường lệ, TPHCM được chọn làm điểm đến xây dựng thương hiệu để bước chân vào thị trường nhộn nhịp và đông vui của cả nước. Và dù càng đông càng vui, nhưng việc phát triển nhượng quyền ở Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là cuộc chơi chỉ dành cho một số nhà đầu tư nhiều tiền, chứ không phải là cơ hội cho nhiều người.
Sự xuất hiện của Starbucks cũng hứa hẹn gây sự tò mò nơi giới trẻ, khi thương hiệu này có một quyền lực mềm rất lớn xuất phát từ chiến lược xây dựng thương hiệu của công ty. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng điều đó không chắc là họ sẽ áp đảo các thương hiệu hiện nay như Trung Nguyên hay Highland Coffee. Trước đây, sự xuất hiện của các thương hiệu cà phê ngoại như Gloria Jean’s, Coffee Bean and Tea Leaf, hay Hard Rock Café, vốn khiến nhiều người nghĩ rằng họ sẽ lấn lướt Trung Nguyên hay Highland Coffee, nhưng thực tế thì khác: Trung Nguyên vẫn phát triển ào ạt trong khi những thương hiệu kia có số lượng cửa hàng ít hơn nhiều. Vì thế, chưa thể nói được Starbucks sẽ thành công hay không với các quán cà phê truyền thống của người Việt.
Sự xuất hiện của Starbucks sẽ hứa hẹn gây sự tò mò nơi giới trẻ Việt Nam.
Cuộc chiến mặt bằng đẹp
Một cuộc chiến khác được nhiều chuyên gia đánh giá là khốc liệt hơn, thú vị hơn, khi sự xuất hiện của những “tay chơi” mới mang lại sự sôi động trên lĩnh vực tìm thuê các mặt bằng đẹp.
Nguồn cung về mặt bằng kinh doanh với những vị trí đẹp có hạn, và từ lâu nay đây là cuộc chiến khốc liệt của nhiều doanh nghiệp trong nước, đẩy giá thuê một số nơi lên tới 20.000- 30.000 đô la Mỹ/tháng. Các tay chơi gia nhập thị trường chậm hơn thường dòm ngó những vị trí đẹp, đang ăn nên làm ra của đối thủ, và tất nhiên sẽ phải chấp nhận mức giá thuê cao hơn. Cuộc chiến giành và giữ mặt bằng bán lẻ sẽ thêm sôi động khi có thêm những “kẻ khổng lồ” như McDonald’s hay Starbucks vào.
KFC cũng đã lên chiến lược để đối phó với nguy cơ mất mặt bằng tốt. Nhưng trước mắt, đối thủ McDonald’s chưa đáng ngại, bởi lẽ McDonald’s không trực tiếp thâm nhập thị trường mà thông qua con đường nhượng quyền. Điều này đòi hỏi đối tác của McDonald’s phải có tiềm lực về mặt tài chính mạnh, mới có thể kham nổi các chi phí đầu tư ban đầu. Những thách thức đó là mức phí nhượng quyền không rẻ, mức đầu tư cho các cửa hàng không nhỏ, và chi phí thuê mặt bằng đẹp khá cao. Theo ông Thuratum, “chỉ khi nào McDonald’s vào trực tiếp bằng thương hiệu của họ thì lúc đó mới đáng lo ngại”.
Nhân sự cũng có thể là một cuộc chiến thú vị khác. Đã có tin một giám đốc người nước ngoài từng làm quản lý cho một chuỗi cà phê lớn đã đầu quân về Starbucks, và sẽ trở thành người quản lý thương hiệu này ở Việt Nam. Khi đó, rất có thể, người của Starbucks sẽ từ các đối thủ đang kinh doanh trong nước được hút về. Tương tự, khả năng McDonald’s sẽ “bứng” đội hình của các tay chơi hiện tại là có thể, và dòng luân chuyển nhân sự sẽ còn tiếp diễn giữa những tay chơi mới…
Theo TBKTSG
McDonald’s sẽ “ Việt hóa” sản phẩm.
So với các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh khác, McDonald’s khá thận trọng khi quyết định kinh doanh ở Việt Nam. Dù đã qua Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh nhiều lần nhưng cho đến chuyến đi gần đây nhất hồi cuối tháng 8 vừa qua, lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này mới hé lộ việc sẽ kinh doanh ở Việt Nam vào năm 2013, và TPHCM sẽ là thị trường khai phá, tiếp đến là Hà Nội.
McDonald’s đã mở rộng kinh doanh ở gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hầu hết đều theo mô hình nhượng quyền thương mại. Riêng ở Hồng Kông với dân số khoảng 7,5 triệu người nhưng đến nay, McDonald’s đã mở được khoảng 225 cửa hàng. Lãnh đạo tập đoàn này kỳ vọng TPHCM với 10 triệu người, trong tương lai, McDonald’s sẽ có số lượng cửa hàng nhiều hơn.
Yếu tố quan trọng giúp McDonald’s nhanh chóng bành trướng ra thị trường toàn cầu là chiến lược xuất khẩu mô hình quản lý kinh doanh đã được thử nghiệm và phát triển tại Mỹ. Tuy nhiên, để tiếp cận tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của khách hàng ở từng thị trường, McDonald’s thường đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu thị trường. Dựa vào những nghiên cứu đó, McDonald’s có tài điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người dân bản địa. Và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bên cạnh việc sẽ nhượng quyền kinh doanh, lãnh đạo tập đoàn cho biết đang nghiên cứu ẩm thực Việt Nam để chế biến thức ăn phù hợp với khẩu vị của người địa phương.
Thức ăn nhanh ngoại xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào thập niên 1990. Điều này cho thấy phải mất hơn 15 năm, ngành thức ăn nhanh mới thực sự phát triển. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện nay, việc McDonald’s bước chân vào thị trường Việt Nam được giới chuyên môn đáng giá là một cơ hội chín muồi. Mặc dù vào chậm hơn, khi nhiều hãng thức ăn nhanh khác đã có hàng trăm cửa hàng trên cả nước, nhưng giới chuyên môn vẫn nhìn nhận McDonald’s là thương hiệu rất đáng cho những đối thủ kinh doanh cùng lĩnh vực phải lo lắng.
Quốc Hùng
Lotteria đẩy mạnh Nhượng quyền thương mại
Nhà sản xuất thức ăn hàng đầu của Hàn Quốc là Lotteria, sau hơn 13 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đến nay đã mở được khoảng 125 cửa hàng thức ăn nhanh. Ông Rho IL Sik, Tổng giám đốc Lotteria Đông Nam Á, cho biết tất cả các cửa hàng này đều do Lotteria tự đầu tư kinh doanh và đây là bước phát triển nhanh so với kế hoạch của công ty. Mục tiêu của công ty trong vòng năm năm tới sẽ nâng số lượng cửa hàng Lotteria tại Việt Nam lên con số 200.
Để đạt được mục tiêu này, song song với việc tiếp tục tự đầu tư kinh doanh, chiến lược của Lotteria Việt Nam bao gồm nhượng quyền kinh doanh cửa hàng Lotteria cho các đối tác tại Việt Nam.
Ông Sik cho biết Lotteria sẽ áp dụng phí nhượng quyền tùy theo từng địa phương, từng khu vực, nhưng mức bình quân cho một đơn vị, cá nhân nhận quyền kinh doanh mở một cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria là khoảng 250.000 đôla Mỹ và số vốn đầu tư cho mỗi cửa hàng cũng ở mức đó, trong đó, vị trí kinh doanh tốt là một trong những tiêu chí ưu tiên.
Cũng theo ông Sik, nếu kinh doanh tốt, đơn vị nhận nhượng quyền có thể hoàn vốn đầu tư trong vòng hai năm, nhưng thông thường là khoảng ba năm. Nhưng ông cũng lưu ý trường hợp đơn vị nhận nhượng quyền kinh doanh không hiệu quả thì thời gian hoàn vốn có thể kéo dài đến tám năm, thậm chí 10 năm.
Hùng Lê