Cập nhật:  30/03/2015 11:37:01 (GMT+7)  In bài này

Đến thời trang phục thông minh    

 

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã và đang là một thị trường tăng trưởng nhanh cho các công ty công nghệ. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Mỹ Gartner, lượng bán ra các thiết bị mang trên người chuyên theo dõi việc rèn luyện thể lực dự kiến sẽ đạt 68,1 triệu chiếc trong năm nay.

 

trang phục thể thao thông minh

Chiếc áo thông minh Polo Tech có thể đo nhịp tim và mồ hôi toát ra.

 

Vòng đeo tay thông minh như Jawbone và Fitbit là những thiết bị theo dõi quá trình rèn luyện được sử dụng phổ biến nhất. Các sản phẩm đồng hồ thông minh như Apple Watch cũng thu hút nhiều sự chú ý sau khi ra mắt. Thế nhưng, theo Gartner, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất sẽ đến từ trang phục thông minh. Cụ thể, lượng trang phục thông minh bán ra được dự báo sẽ đạt 10 triệu chiếc vào năm nay và tăng tốc đạt tới 26 triệu vào năm 2016, so với con số rất khiêm tốn chỉ 100.000 chiếc được bán ra vào năm ngoái.

 

Chiếc áo thông minh Polo Tech của Ralph Lauren là một ví dụ cho thấy công nghệ đang được tích hợp cả vào quần áo. Polo Tech có thể đo nhịp tim và mồ hôi toát ra, kết nối với một chiếc điện thoại thông minh thông qua Bluetooth. “Vì áo thông minh và các trang phục thông minh khác được gắn nhiều cảm biến hơn và các cảm biến này tiếp xúc gần với da hơn, nên có thể thu thập được nhiều thông tin hơn và có thể đưa ra các dữ liệu chính xác hơn”, Angela McIntyre, Giám đốc Nghiên cứu của Gartner, nhận xét.

 

“Các chiếc áo thông minh thế hệ đầu tiên đã được các công ty như Adidas và Underarmour tung ra thị trường một thời gian, hiện được giới vận động viên chuyên nghiệp ưa chuộng, nhưng chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự hứng thú từ các nhà sản xuất hàng may mặc thông thường nhắm đến đối tượng khách hàng rộng lớn hơn nhiều”, bà nói thêm.

 

Hiện tại, trang phục thông minh vẫn đang là sân chơi của các vận động viên chuyên nghiệp, nhưng giới chuyên gia dự đoán chúng sẽ nhanh chóng qua mặt lượng bán ra của các thiết bị theo dõi thông thường (như các thiết bị đeo trên cổ tay hoặc bắp tay) vào cuối năm 2016 khi trang phục thông minh trở thành sản phẩm mang tính “tiêu dùng” nhiều hơn. Theo Gartner, con số 26 triệu trang phục thông minh được dự báo bán ra vào năm 2016 cao hơn tới 7 triệu chiếc so với lượng vòng đeo tay thông minh bán ra trong cùng năm.

 

Đó là lý do ai cũng muốn có một phần trong cơn sốt này. Lechal, một doanh nghiệp công nghệ đến từ Ấn Độ, là một trong số công ty kỳ vọng sẽ hái ra tiền từ trang phục thông minh. Các sản phẩm giày và miếng lót giày của Lechal được thiết kế với mục đích ban đầu là giúp người khiếm thị dò đường đi. Mỗi khi đến đường cần rẽ, nó sẽ rung lên để báo hiệu cho người đó rẽ trái hoặc rẽ phải. Nay sản phẩm của Công ty còn nhắm đến cả những người muốn nâng cao thể lực một cách hiệu quả nhất.

 

Cụ thể, người sử dụng thiết lập một lộ trình tập luyện quen thuộc và sản phẩm sẽ phát ra âm thanh để giúp cho họ giữ được lộ trình tập đã vạch ra. Giả sử người tập đặt mục tiêu chạy 1 km trong 40 phút thì khi tốc độ chạy giảm xuống, một tiếng kêu từ đôi giày sẽ phát ra để báo cho người đó biết cần phải tăng tốc lên nếu muốn đạt mục tiêu.

 

Cách đo của Lechal cũng rất cơ bản: Thiết bị theo dõi quãng đường, lượng calory tiêu thụ và các bước chân; những dữ liệu này được lưu trữ và tải xuống một ứng dụng sau khi tập thể dục. Đôi giày có giá khởi điểm là 200 USD và miếng lót giày có giá 150 USD. Dự kiến sản phẩm của công ty Ấn Độ này sẽ có mặt tại các cửa hàng ở Mỹ vào cuối năm nay.

 

Glofaster cũng đang tìm cách phát triển dòng sản phẩm trang phục thông minh. Công ty sản xuất một chiếc áo jacket chạy bộ có gắn “phụ tùng” giúp thu thập thông tin về quá trình tập của người sử dụng. Người sử dụng đặt ra các mục tiêu như tốc độ hoặc nhịp tim và các đèn nằm dọc theo cánh tay sẽ phát sáng để gửi thông tin phản hồi về. Chiếc áo này có giá tới 285 bảng Anh (418 USD) đã bao gồm cảm biến. Mức giá đắt đỏ này cho thấy Glofaster tin rằng người sử dụng, đặc biệt là các vận động viên, sẽ sẵn sàng móc hầu bao để có được những thiết bị tinh vi, thông minh giúp họ gia tăng được thể lực, thành tích tập luyện.

 

Công ty khởi nghiệp đến từ Úc - Sports Performance Tracking (SPT) - cũng kỳ vọng sẽ giành được một chỗ trên thị trường đang tăng trưởng nhanh này. SPT sản xuất các thiết bị theo dõi chuyên đo và so sánh thành tích tập luyện của một đội, nhóm. Những thành viên trong một đội mặc chiếc áo vest thể thao có gắn thiết bị theo dõi GPS chuyên thu thập các dữ liệu như tốc độ và quãng đường. Sau một cuộc chơi hoặc một cuộc thi đấu, máy tính xử lý các số liệu này để cho biết thành tích của mỗi người chơi. Bằng cách tính toán, đo lường mức độ gắng sức trên cơ thể người, thiết bị cũng có thể cho người sử dụng biết liệu họ có thể bị thương tổn vì đã gắng quá sức mình.

 

“Đó chính là chén thánh của các thiết bị theo dõi quá trình luyện tập. Mọi người đang bỏ ra hàng triệu USD nếu không nói là tỉ USD để tìm kiếm nó”, Will Strange, nhà sáng lập SPT, cho biết. Ông hàm ý rằng nhiều người đang đổ xô đầu tư vào lĩnh vực này để mong hái ra lợi nhuận khủng từ nó.

 

Các thiết bị theo dõi GPS có thể kiểm tra xem các vận động viên chạy nhanh như thế nào, xa đến đâu và có gắng quá sức hay không, để giúp họ tránh thương tổn có thể xảy ra. Thiết bị theo dõi GPS mang lại hiệu quả cao đến nỗi Catapult (Úc), chuyên bán thiết bị theo dõi cho các đội chơi trong các giải đấu AFL, NFL và NBL, được định giá tới 35 triệu USD. Những vận động viên tham gia các giải đấu NFL, NBA và Champions League của châu Âu sử dụng các sản phẩm tương tự, nhưng với giá 228 USD, thiết bị của SPT đang có lợi thế cạnh tranh khá lớn.

 

“Catapult giới thiệu các thiết bị theo dõi dành cho các vận động viên tên tuổi nhưng với mức giá trung bình 100.000 USD mỗi năm, chỉ các câu lạc bộ giàu tiền lắm bạc mới có thể kham nổi chi phí này. Nhưng sản phẩm của chúng tôi có thể được bán với giá chỉ vài trăm đô-la mỗi vận động viên và còn cung cấp các công cụ đo lường và phân tích cần thiết để theo dõi mức độ tập trung và sức lực mà mỗi cầu thủ bỏ ra từ chơi bóng đá, bóng bầu dục cho đến bóng rổ, khúc côn cầu”, Strange nói.

 

Strange cho biết ông thành lập SPT sau nhiều lần bị chấn thương mô mềm trong khi chơi bóng bầu dục nghiệp dư. “Tôi muốn duy trì thể lực nhưng cũng muốn tránh bị chấn thương. Vì thế, tôi tìm cách để đạt được thành tích tập luyện cao nhất vừa có thể tránh bị thương”, ông nói. Hiện tại, nhiều thiết bị theo dõi GPS có mặt trên thị trường tiêu dùng nhưng những thiết bị này lại không được phép sử dụng trong các môn thể thao tiếp xúc. “Đó là vì các thiết bị tiêu dùng trên thị trường thường được mang trên cổ tay hoặc bắp tay và như vậy lại không an toàn trong các môn thể thao tiếp xúc”, ông nói. Đó là lý do ông cho ra đời các thiết bị được giấu bên trong chiếc áo vest. Và với mức giá khá mềm, đối tượng khách hàng của SPT sẽ không chỉ là vận động viên chuyên nghiệp mà còn là những người sử dụng bình thường muốn có sức khỏe tốt hơn.

 

Theo NCĐT

0 người thích


Ông chủ Alibaba: "Nhỏ mới đẹp"