Cập nhật:  03/05/2017 10:57:20 (GMT+7)  In bài này

Doanh nhân Việt đã bước ra khỏi "vùng an toàn"    

 

Sự bền bỉ và khát vọng vượt khó sẽ giúp doanh nhân Việt Nam bước ra khỏi “vùng an toàn” để toả sáng trước sự thay đổi lớn lao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Hãng hàng không VietJet đang có tham vọng vươn ra chinh phục thị trường quốc tế.

Hãng hàng không VietJet đang có tham vọng vươn ra chinh phục thị trường quốc tế.

 

Tham vọng vượt biên giới

 

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Hãng hàng không VietJet (VietJet Air) là một doanh nhân đầy tham vọng.

 

Những dấu ấn thành công của bà Thảo tại thị trường Việt Nam ai cũng biết. Tuy nhiên, hiện VietJet Air mới tập trung vào thị trường trong nước. Với các doanh nhân nước ngoài thì thị trường trong nước là loại quả dễ hái nhất, mọc ở cành thấp nhất. VietJet Air mới tiến đến điểm hoàn thành giai đoạn đầu tiên, nếu muốn đuổi kịp giới đầu tư nước ngoài, VietJet Air phải mở rộng ra quốc tế và đó là một thách thức lớn.

 

Thật ra, bà Thảo đã có tham vọng vượt khỏi vùng an toàn. Bà bày tỏ ngưỡng mộ về hoạt động kinh doanh của Hãng hàng không Dubai Emirates Airlines và đặt mục tiêu biến doanh nghiệp của mình thành “Emirates thứ hai”. Theo bà Thảo, Emirates là hãng hàng không của một quốc gia nhỏ bé đã chinh phục thế giới nhờ có tầm nhìn toàn cầu.

 

Bà Thảo thừa nhận, chinh phục thế giới đồng nghĩa với việc phải chuyển đổi khỏi mô hình hãng bay giá rẻ, điều này có thể khiến lượng khách hàng ít đi, song bà tin rằng, mình sẽ thành công mà không cần thay đổi nền tảng khách hàng cốt lõi và nhạy cảm trước giá cả, bởi bà tự tin, chất lượng dịch vụ của VietJet không hề thua kém các hãng bay khác trên thế giới.

 

Tương tự bà Thảo, bà Đặng Thị Minh Phương, người sáng lập Công ty MP Logistics được giới đầu tư nước ngoài ưu ái gọi là “nữ hoàng logistics Việt Nam”. Bà là nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu với ý tưởng phát triển việc kinh doanh táo bạo, dựa trên những cơ hội nắm bắt từ thị trường. Bà Minh Phương luôn tự tin và kỳ vọng đưa doanh nghiệp của mình vươn ra thế giới.

 

Xuất hiện trong chương trình Managing Asia của kênh CNBC vào năm 2016, bà Minh Phương khẳng định, công ty của bà sẽ trở thành công ty logistics tốt nhất châu Á.  Điều này có cơ sở để trở thành hiện thực, bởi với logistics, công ty địa phương nào cũng có thể vươn ra toàn cầu. Bà Phương muốn có các cơ sở kinh doanh trên khắp thế giới. Ánh mắt bà sáng rực khi nhắc đến các cơ hội kinh doanh đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sắp tham gia. Đặc biệt, sự hòa nhập của Việt Nam vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN khiến thị trường này trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt. Myanmar là thị trường đầu tiên bà Minh Phương muốn mở rộng kinh doanh, sau đó là Philippines, Campuchia, Thái Lan.

cầu rồng

 

Song, cơ hội luôn đi kèm sự cạnh tranh khốc liệt. Theo ước tính của bà Phương, có khoảng 1.200 công ty logistics đang hoạt động ở Việt Nam, với khoảng 30 trong số này là doanh nghiệp đa quốc gia. Họ có tài chính, mạng lưới và kinh nghiệm vượt trội so với công ty của bà. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh, giúp MP Logistics chuẩn bị cho thị trường lớn hơn trước khi vươn ra toàn cầu. “Chúng tôi có nhiều thứ để đạt được hơn là để mất”, bà Phương chia sẻ.

 

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet, một công ty tư vấn nhân sự hàng đầu tại Việt Nam, song hành với các công ty đa quốc gia, trong đó một nửa là công ty thuộc Future 500, lại mang trong mình tầm nhìn, luôn sẵn sàng vượt qua khuôn khổ để chinh phục mọi giới hạn. Bà muốn mở mang địa bàn hoạt động của Talentnet trên toàn thị trường ASEAN, với các sản phẩm không biên giới, kết nối các nước, các doanh nghiệp, các cá nhân để gắn kết thành sức mạnh tổng hợp.

 

Bà Tiêu Yến Trinh cũng là điển hình cho lãnh đạo một doanh nghiệp Việt Nam tự tạo cơ hội chủ động cho mình, thông qua việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp mang tư duy, tầm nhìn quốc tế. Bà thường xuyên xuất hiện và làm diễn giả ở các diễn đàn quốc tế bàn về các vấn đề nổi cộm trong thị trường nhân sự.  

 

Có thể nói, có nhiều tên tuổi ở các ngành khác nhau đã vươn ra nước ngoài và đã thành công bước đầu như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Vinamilk, Vinamit, Trung Nguyên… Hầu hết những lãnh đạo của doanh nghiệp này đều nhìn thấy cơ hội để mở rộng việc kinh doanh một cách nhanh chóng và họ đặt việc phát triển thị trường lên hàng đầu.

 

Khai phóng năng lực quản trị

 

Làm chủ một doanh nghiệp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, thách thức cũng sẽ ngày càng tăng cao với các doanh nhân có tầm nhìn “vươn ra thế giới”.

 

Kết quả nghiên cứu về “Năng lực của các lãnh đạo doanh nghiệp” được thực hiện trên 9 quốc gia châu Á, với 165 người đang giữ vai trò lãnh đạo cấp cao, do Viện Quản trị năng lực lãnh đạo (Singapore) thực hiện cho thấy, những lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần 5 - 15 năm nữa mới có thể thích ứng được với vai trò lãnh đạo ở tầm khu vực và toàn cầu. Kết quả này được cho là hợp lý khi xét đến thực tế là kinh tế Việt Nam chỉ mới tăng trưởng mạnh trong 15 năm qua. Hiện Việt Nam đã có một môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi, các doanh nhân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh bằng tất cả khả năng của mình, cả trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Dù là lãnh đạo của các doanh nghiệp ở mức độ quy mô và ngành nghề rất khác biệt, nhưng có thể nhận thấy, họ đều có tư duy toàn cầu.

Việt Nam đã có môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi, các doanh nhân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh bằng tất cả khả năng của mình.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, các start-up đã có bước đầu thành công và mang tầm nhìn muốn vươn ra thị trường quốc tế. Họ được coi là những doanh nhân trẻ, được tiếp xúc với thế giới văn minh, có xu hướng tìm tòi áp dụng những kiến thức điều hành doanh nghiệp bài bản ngay từ đầu. Trong khi đó, lớp thế hệ doanh nhân đi trước, những người đã trải qua một thời kỳ gian khó khi đất nước tái thiết và chuyển đổi, đã có những thành công nhất định, thì luôn muốn vươn cao, vươn xa hơn nữa để chinh phục thế giới.

 

Điều này cho thấy, doanh nhân Việt Nam không thua kém doanh nhân thế giới. Song phần lớn doanh nhân Việt Nam có xuất phát điểm thấp, giờ đây buộc phải cạnh tranh trong môi trường hội nhập, họ đang phải nỗ lực thay đổi rất nhiều về quản trị doanh nghiệp, quản lý chuyên môn, nâng cao kỹ năng cho nhân viên và quy mô doanh nghiệp.

 

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững Masan Group, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Masan Nutri-Science, doanh nhân Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến quản trị doanh nghiệp. Hầu hết các chuẩn mực và nguyên tắc quản trị công ty chỉ được tuân thủ một phần hoặc chưa được tuân thủ. Khi gia nhập thị trường quốc tế, nếu không đáp ứng được các yêu cầu quản trị khắt khe thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh sòng phẳng và sớm bị đào thải.

 

Bà Tiêu Yến Trinh đã đưa ra 3 “kim chỉ nam” để khai phóng năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

 

Thứ nhất, lãnh đạo cần tìm kiếm và tận dụng tối đa các cơ hội tham gia, giao lưu cùng các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và mang tầm khu vực, quốc tế.

 

Thứ hai, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc nội bộ, dần chuẩn hóa tổ chức bộ máy theo chuẩn quốc tế để kịp thích nghi khi thời cơ đến.

 

Thứ ba, khi giao tiếp, làm việc cùng các đối tác quốc tế, ngoài sự cởi mở, cần thể hiện sự chân thành và tôn trọng.

 

Đặc biệt, các doanh nghiệp trước khi “bành trướng” ra thị trường quốc tế, cần đầu tư nâng tầm nguồn lực nội tại của mình như: đầu tư vào lớp lãnh đạo kế thừa trở thành nguồn lực nòng cốt, để đảm bảo hoạt động bền vững của công ty. Người dẫn đầu tại các doanh nghiệp tầm trung trong nước cần đảm bảo chất lượng dịch vụ và sản phẩm cung cấp tại thị trường nội địa, trước khi quyết định tiến xa tới các lãnh địa nước ngoài.

 

Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Việt Nam có thế hệ doanh nhân sinh ra trong chiến tranh, họ là những con người sống trong gian khó khi đất nước tái thiết. Điều này giúp cho họ có sức sống mãnh liệt, có ý chí và có sự bền bỉ, đây là động lực mạnh mẽ để họ vượt qua mọi khó khăn thử thách và vươn lên.

 

Anh Hoa (Theo Báo Đầu Tư)

0 người thích


Ông chủ Alibaba: "Nhỏ mới đẹp"