Cập nhật:  31/07/2019 02:44:01 (GMT+7)  In bài này

Kịch kinh điển còn đó những âu lo    

 

Cho đến nay, kịch kinh điển vẫn là một áp lực lớn đối với các sân khấu của cả 2 miền Nam – Bắc.

 

kịch kinh điển

Sân khấu Việt thời gian qua vắng bóng các tác phẩm kinh điển

 

Lâu nay, không chỉ người trong giới mà những khán giả yêu mến kịch kinh điển đều tỏ ra lo ngại về sự tồn tại yếu ớt của môn nghệ thuật này. Những đêm đỏ đèn ít ỏi của các sân khấu khiến người nghệ sĩ không có được môi trường luyện tập mình trước đám đông.

 

Những buổi trình diễn kịch kinh điển đã thưa thớt lại càng trở nên... uể oải hơn. Nỗ lực của một số nhà hát cũng như các nghệ sĩ yêu nghề trong thời điểm này nhằm mục đích vực dậy kịch kinh điển dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

 

Cho đến nay, kịch kinh điển vẫn là một áp lực lớn đối với các sân khấu của cả 2 miền Nam – Bắc. Các nghệ sĩ cũng đành... lực bất tòng tâm. Vô hình trung trong giới nghệ sĩ miền Bắc truyền nhau một câu cửa miệng rằng, làm chính kịch, kịch kinh điển mới thật sự là sân khấu. Nhưng dường như khán giả ngày nay lại không nghĩ vậy, họ không thích phải xem mãi những vở kịch kinh điển đầy tính bác học, sâu xa mà muốn thấy được hơi thở thời đại, thấy được cuộc sống của chính họ trong từng vở diễn trên sân khấu.

 

Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, dựng các vở kinh điển là chấp nhận đương đầu với nhiều mạo hiểm. Kinh phí đầu tư tốn kém, đòi hỏi trình độ cao và sự kỳ công trong dàn dựng, diễn xuất là điều không phải nhà hát nào cũng làm được. Đã có nhà hát phải đau đớn từ bỏ đứa con tinh thần của mình sau đêm tổng duyệt bởi nhiều lý do: từ kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên chưa đủ tầm, nội dung không phù hợp thị hiếu khán giả, kinh phí đầu tư ít nên chất lượng nghệ thuật thấp...

 

Nhưng kịch kinh điển cũng có những cái khó mà không phải ai cũng biết. Cái chính là cách tái hiện những vở kịch kinh điển có thực sự hấp dẫn được khán giả hay không.

 

Một nghệ sĩ trong giới chia sẻ: “Không phải chúng ta không tiến hành đổi mới sân khấu theo đòi hỏi của công cuộc đổi mới xã hội. Chúng ta có làm nhưng chỉ đổi mới về mặt hình thức nhằm thỏa mãn nhu cầu nghe nhìn của người xem. Đó là tăng cường sử dụng các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang trí, phục trang, âm nhạc và đổi mới trong diễn xuất. Nhưng việc đổi mới về nội dung thì chưa nhiều”. Đây cũng chính là nút thắt của mảng kịnh kinh điển.

 

Trên thực tế, một số nhà hát vẫn nỗ lực đưa kịch kinh điển đến khán giả dù vẫn biết để hút người xem là chuyện khó. Nhà hát kịch Việt Nam từng khởi dựng vở kịch kinh điển “Hamlet” của đại văn hào người Anh William Shakespeare. Đây là vở diễn đầu tiên trong kế hoạch dàn dựng các kiệt tác sân khấu thế giới của nhà hát này và thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ và những người yêu sân khấu trong cả nước. Vì là kịch kinh điển nên vở diễn được dàn dựng trong hai tháng với sự tham gia của hai đoàn kịch của nhà hát, bao gồm nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ nổi tiếng.

 

Trước đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã từng dựng vở của Shakespeare là “Giấc mộng đêm hè”, “Vua Lia” và khi bắt tay vào dựng vở “Hamlet” cũng đã bàn thảo rất nhiều. Điểm độc đáo của vở diễn không chỉ ở những mảng miếng trong diễn xuất mà còn ở thiết kế sân khấu được bố trí đơn giản, nhưng khá linh hoạt cùng trang phục chủ yếu sử dụng vải thô, không màu mè “dát vàng hay kim tuyến” như mọi khi.

 

Giải thích về việc nhà hát lựa chọn “Hamlet” để mở đầu cho kế hoạch dàn dựng những kiệt tác của sân khấu thế giới, đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, dựng vở “Hamlet” là một thử thách nghề nghiệp rất lớn của nhà hát, các bạn đồng nghiệp trong cả nước cũng như người yêu sân khấu đang rất quan tâm xem vở diễn của nhà hát được dàn dựng như thế nào và đây là trách nhiệm mà chúng tôi ý thức được nếu muốn xứng danh “Anh cả đỏ” của làng sân khấu kịch nói nước nhà. Việc dàn dựng vở diễn đã giúp đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ trưởng thành và vững vàng về nghề nghiệp...

 

Đối với người trong giới, kịch kinh điển vẫn được coi là đỉnh cao của sân khấu. Đạo diễn và diễn viên muốn khẳng định được mình trong làng sân khấu thì nhất thiết phải bằng những vở kịch kinh điển. Nhưng sự xuất hiện trở lại của mảng kịch kinh điển hiện nay dường như chỉ đóng vai trò tham khảo, thăm dò phản ứng của khán giả chứ chưa thực sự mang tính đột phá.

 

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường với nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ, đầy hấp dẫn như hiện nay thì “hữu xạ tự nhiên hương” là phương án không khả thi. Bởi vậy, người làm sân khấu cũng không thể ngồi yên chờ khán giả đến với mình mà phải biết tự thân vận động, mang những sản phẩm được coi là đỉnh cao của sân khấu đến với đông đảo công chúng.

 

Những “hồi chuông” cảnh báo gióng lên không ít lần về việc sân khấu chính kịch có vẻ đang chết và tình trạng các nhà hát công lập cũng như tư nhân đổ xô, cuống cuồng tìm cách “câu khách” bằng kịch kinh dị, kịch ma, kịch về đề tài đồng tính... thì nhiều người vẫn kỳ vọng các nhà hát dựng lại các tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới và nói nước nhà để thỏa cơn khát. Tuy nhiên đây vẫn là một bài toán khó đối với mảng kịch kinh điển Việt bởi giới làm nghề còn rất nhiều việc phải làm.

 

Khôi Nguyên (Theo Thời báo Ngân hàng)

 

1 người thích


Ông chủ Alibaba: "Nhỏ mới đẹp"