Cập nhật:  12/11/2019 04:08:42 (GMT+7)  In bài này

Khi phim ảnh trộn lẫn đời thật    

 

Có lẽ mọi người còn nhớ phim The Social Network năm 2010 về sự ra đời mạng xã hội Facebook và vụ kiện tranh chấp ai đẻ ra ý tưởng Facebook giữa Mark Zuckerberg và anh em sinh đôi Winklevoss.

 

phim ảnh trộn lẫn đời thật

 

Nay tác giả kịch bản bộ phim này, Aaron Sorkin, tung ra bức thư ngỏ gửi Zuckerberg, lên án Facebook không những không bảo vệ cho tự do ngôn luận mà còn tấn công vào sự thật.

 

Nguyên do là những phát biểu của Zuckerberg như tại Đại học Georgetown hay tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đều khẳng định việc Facebook đồng ý cho đăng tải các quảng cáo chính trị bất kể chúng đúng hay sai là do Facebook muốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Lập luận này đã tạo ra một làn sóng lên án dữ dội từ giới trí thức Mỹ cho rằng các quảng cáo sai sự thật, lừa dối đang cung cấp một bức tranh méo mó cho người Mỹ và trách nhiệm của Facebook là phải gạn lọc, loại bỏ thông tin sai chứ không thể vin vào quyền tự do ngôn luận để nhắm mắt bán quảng cáo.

 

Trong thư ngỏ của mình, Sorkin đưa ra ví dụ một quảng cáo trên Facebook cáo buộc cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hối lộ cho Bộ trưởng tư pháp Ukraine 1 tỉ đô la Mỹ để khỏi điều tra chuyện con ông làm ăn ở nước này. Đây rõ ràng là một quảng cáo sai sự thật nhưng Facebook không chịu gỡ xuống nên Sorkin bảo: “Như thế không phải là bảo vệ cho tự do ngôn luận, Mark à, như thế là tấn công sự thật đấy”.

 

Sorkin kể sau khi quay xong bộ phim The Social Network, họ tổ chức chiếu phim cho phó tướng của Zuckerberg là bà Sheryl Sandberg xem. Xem nửa chừng bà Sandberg đứng dậy quay về cuối phòng nơi các nhà sản xuất phim đang ngồi và thốt lên “Sao các ông nỡ đối xử với một đứa trẻ như thế?” (lúc đó Zuckerberg mới 26 tuổi). Kể xong Sorkin mới bảo, ước gì phó tướng của Mark cũng bước vào phòng rồi nói với Mark “Sao chúng ta lại nỡ đối xử như thế với hàng chục triệu đứa trẻ?”, ý nói đến các quảng cáo sai sự thật nằm khắp trên Facebook như ứng cử viên tổng thống Elizabeth Warren hủy bỏ các bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa, thượng nghị sĩ Kamala Harris tổ chức “đá gà” hay Chính phủ Mỹ bán ma túy cho các vận động viên thể thao...

 

Đưa các ví dụ này cho người nước ngoài có thể họ không hiểu nhưng nói Facebook làm ngơ để bán chỗ hiển thị cho các quảng cáo lừa đảo thì nhiều người sẽ hiểu ngay. Có lẽ ai cũng từng chứng kiến hay là nạn nhân của các quảng cáo kiểu bấm “thích” để nhận quà tặng là chiếc điện thoại iPhone đời mới.

 

Kết thúc bức thư ngỏ, Sorkin tóm tắt lần Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Khi nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez hỏi nếu một quảng cáo lừa dối người đọc, liệu Facebook có lấy xuống không, Zuckerberg trả lời: “Thưa bà nghị sĩ, trong đa phần trường hợp, trong một nền dân chủ, tôi tin mọi người có quyền tự mình thấy các chính trị gia họ có thể bầu hay không bầu đang nói gì rồi tự họ phán xét tư cách những người này”. Với lập luận Facebook không chịu áp dụng hình thức kiểm tra nội dung và hầu hết người dùng Facebook không có khả năng thuê mướn đội quân kiểm tra nội dung, Sorkin kết luận: “Nếu tôi biết anh suy nghĩ như thế, lẽ ra tôi đã viết [lại kịch bản phim] cho anh em nhà Winklevoss đúng là người nghĩ ra Facebook”.

 

Bên dưới bức thư ngỏ của Aaron Sorkin đăng trên tờ New York Times, vẫn có độc giả đồng tình với lập luận của Mark Zuckerberg, rằng chịu trách nhiệm vẫn là nơi viết quảng cáo sai sự thật chứ Facebook là một công ty tư nhân không thể đứng ra làm nhiệm vụ rà soát đúng sai các tuyên bố của các chính trị gia chừng nào họ ghi rõ đây là quảng cáo có trả tiền. Tuy nhiên đó chỉ là ý kiến thiểu số, đa phần cho rằng với báo chí truyền thống, tự do ngôn luận không có nghĩa một tay cổ vũ cho chủ nghĩa tân phát xít viết bài gửi tới các báo thì các báo phải đăng. Facebook như một nguồn thông tin cho rất nhiều người cũng phải có trách nhiệm tương tự - nếu đã tổ chức một đội ngũ rà soát để lấy xuống các nội dung thù hằn, bạo lực thì cũng phải gỡ các nội dung biết chắc là dối trá, lừa đảo, có tiềm năng gây hại cho người cả tin.

 

Liên quan đến sự việc này, một mạng xã hội khác là Twitter đã tuyên bố sẽ không nhận quảng cáo chính trị nữa. Bên cạnh đó, hàng trăm nhân viên của Facebook ký tên vào một bức thư gửi Mark Zuckerberg để phản đối chính sách của mạng xã hội này không chịu kiểm tra đúng sai với nội dung quảng cáo chính trị. Có lẽ rồi sẽ có kịch bản phim khác về những ngày sóng gió này của Facebook nhưng cái kết như thế nào thì chưa rõ.

 

Nguyễn Vũ (Theo TBKTSG)

0 người thích


Ông chủ Alibaba: "Nhỏ mới đẹp"