Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi đang rà soát, hoàn thiện các tiêu chí, chuẩn bị nội dung xây dựng đề án chuyển từ huyện lên quận.
Nút giao An Sương được đầu tư hoàn chỉnh giúp đường về huyện Hóc Môn, TP.HCM trở nên thông thoáng hơn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy tổ chức vào ngày 30-11-2019, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy khi đó, đã đặt vấn đề tương lai phát triển của năm huyện thuộc TP.HCM đến năm 2030. Sau khi phân tích các điều kiện để chuyển đổi lên quận với các huyện ngoại thành, ông Nhân giao hết tháng 12-2019, lãnh đạo các huyện cần ngồi lại với các sở NN&PTNT, Công thương, KH&ĐT bàn định hướng trong 10 năm tới chọn kinh tế nào là trọng tâm, khi nào đủ điều kiện lên quận. Như vậy sau năm 2030, có lẽ chỉ còn Cần Giờ vẫn là huyện, còn bốn huyện còn lại sẽ phải tính và nếu thấy cần thiết thì phải có lộ trình 10 năm để chuyển từ huyện thành quận.
Sáu bước triển khai
Tờ trình của Sở Nội vụ kèm theo dự thảo về công tác chuẩn bị xây dựng đề án nhấn mạnh các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ chủ yếu có vị trí cửa ngõ của TP để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam bộ. Trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TP) là hết sức cần thiết.
Lộ trình dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận (hoặc TP thuộc TP). Giai đoạn 2025-2030 sẽ thực hiện chuyển đổi đối với hai huyện Củ Chi, Cần Giờ. Với lộ trình này, TP.HCM sẽ có sáu bước triển khai thực hiện đề án. Cụ thể:
Bước 1: Báo cáo đánh giá, rà soát hiện trạng từng tiêu chí (dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị) của huyện theo tiêu chuẩn của quận theo quy định.
Bước 2: Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng các huyện theo tiêu chuẩn của quận (hoặc TP thuộc TP.HCM), xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương lựa chọn phương án chuyển huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM).
Bước 3: Bổ sung định hướng vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị TP.HCM.
Bước 4: Xây dựng kế hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng khắc phục các tiêu chí chưa đạt chuẩn; hoàn thiện công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, tại các huyện, chương trình phát triển đô thị đảm bảo quy hoạch đô thị phủ kín các huyện dự kiến thành lập quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) trong giai đoạn 2021-2030.
Bước 5: Hoàn thiện đề án phân loại đô thị của các huyện, các xã/thị trấn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 6: Hoàn thiện đồ án thành lập quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Sở Nội vụ, từ tháng 11-2020, UBND TP đã chỉ đạo các sở Nội vụ, Xây dựng, QH-KT và UBND các huyện tham mưu nội dung xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030. Đến tháng 12-2020, Sở Nội vụ đã có công văn đề nghị các đơn vị có liên quan báo cáo nội dung đề án. Đầu tháng 3-2021, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan góp ý cho dự thảo đề án.
Sở Nội vụ cho rằng nội dung trình TP về công tác chuẩn bị xây dựng đề án nhằm mục đích xác định các nhiệm vụ trọng tâm, nội dung công việc. Đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đảm bảo thành lập đơn vị hành chính quận hoặc TP trực thuộc TP.
Việt Hoa (Theo PLO)