Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục khác trong tháng 6 và theo dự báo của chuyên gia lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh. Điều đó càng củng cố niềm tin NHTW châu Âu sẽ phải tăng nhanh lãi suất bắt đầu từ tháng này.
Ảnh minh họa.
Eurostat cuối tuần trước cho biết, trong tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng tại 19 quốc gia dùng chung đồng euro tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 8,1% của tháng 5 và cũng cao hơn kỳ vọng của giới chuyên gia là 8,4%. Lạm phát được thúc đẩy chủ yếu bởi giá năng lượng, trong khi giá thực phẩm và dịch vụ cũng đóng góp đáng kể vào mức tăng này.
Hiện lạm phát đang cao hơn 4 lần so với mục tiêu 2% của ECB và có nguy cơ mắc kẹt ở mức khó chịu khi các doanh nghiệp và người lao động điều chỉnh hành vi cho phù hợp với mặt bằng giá mới. Thật vậy, ngay cả khi loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản vẫn tăng lên mức 4,6% từ mức 4,4% của tháng 5, cao gấp hơn 2 lần mục tiêu của ECB. Điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách phải lo lắng vì nó có thể xuất hiện nguy cơ gọi là hiệu ứng vòng hai.
Thậm chí các nhà phân tích cho rằng, lạm phát tháng 6 có thể còn cao hơn nếu Đức không đưa ra các biện pháp cứu trợ tạm thời đối với nhiên liệu và giao thông. Cộng thêm vào áp lực lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,6% trong tháng 5 và với tình trạng thiếu lao động đang làm tê liệt nhiều ngành dịch vụ, tăng trưởng việc làm có thể kéo dài, gây áp lực lên tiền lương và cuối cùng là lạm phát.
Áp lực lạm phát đang buộc các NHTW trên thế giới phải nhanh chóng thắt chặt các chính sách, ngay cả khi phải trả giá là tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy thoái. Đi sau các đồng nghiệp của mình trong nhiều tháng, ECB được dự báo cũng sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong tháng này, ban đầu là 25 điểm cơ bản. Nhưng dữ liệu lạm phát được công bố cuối tuần trước đang củng cố khả năng cơ quan này sẽ tăng tiếp lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9.
Hiện các thị trường đang định giá lãi suất sẽ tăng tổng cộng 143 điểm cơ bản, cho thấy lãi suất được dự kiến sẽ tăng ở mọi cuộc họp chính sách trong thời gian còn lại của năm, với một số trong số này có thể vượt quá 25 điểm cơ bản. Hiện lãi suất tiền gửi của ECB vẫn duy trì ở mức âm 0,5% suốt từ năm 2014.
Mai Ngọc (Theo Thời báo Ngân hàng)