Theo thống kê, tính đến nay, TP.HCM có khoảng 4,7 triệu lao động. Tuy nhiên những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng.
Cần tổ chức lại lao động tại các doanh nghiệp thông qua kết nối việc làm.
Theo khảo sát của Ban Quản lý Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), hiện có hàng chục doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng và hàng ngàn công nhân, lao động bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân được nhìn nhận là do tác động từ các cuộc xung đột khiến tình hình an ninh - chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở nhiều nước đang bắt đầu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân các nước châu Âu, Mỹ... buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nữ trang, thời trang cao cấp (quần áo, da giày có thương hiệu nổi tiếng…), đồ gỗ...
Công đoàn các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, hiện có 51 doanh nghiệp với gần 6.000 công nhân bị ảnh hưởng đã báo cáo cụ thể về Công đoàn. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp giảm tăng ca nhưng vẫn đảm bảo công nhân được làm 8 giờ/ngày…
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 vừa qua của thành phố ước tính tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại bị sụt giảm 3,1% so với tháng trước đó. Đáng chú ý, những ngành công nghiệp có thế mạnh của thành phố đang có chiều hướng bị sụt giảm như công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 vừa qua bị giảm 3,3% so với tháng trước đó; hay sản xuất và phân phối điện giảm 4,8% so với tháng trước.
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, đến nay, đơn vị đã nhận được phương án sắp xếp lại lao động của 22 doanh nghiệp với tổng số 1.643 lao động bị cắt giảm, chủ yếu ở ngành may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.
Qua khảo sát nhanh 234 doanh nghiệp có quy mô từ 200 lao động trở lên ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, có 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động, 125 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng, 8 doanh nghiệp cắt giảm 39 lao động và có 83 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM làm việc trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp cắt giảm lao động, đồng thời phối hợp với Phòng Việc làm - An toàn lao động, Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội phê duyệt phương án, có kế hoạch tổ chức tiếp xúc với công đoàn cơ sở, người lao động tại công ty thu hẹp sản xuất để tổ chức lại lao động thông qua kết nối việc làm.
"Chúng tôi cũng thống nhất thành lập tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt đơn hàng hoặc nơi đang có đơn hàng giảm trong quý IV/2022 và quý I/2023 để các bên có phương án xử lý, hỗ trợ nhau cụ thể", ông Lâm nói.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình lao động, việc làm; tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người lao động; cùng với đó sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các phiên giao dịch kết nối cung - cầu lao động; thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp như hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề…
Sở cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động; thực hiện Kế hoạch số 32634/KH-SLĐTBXH về tăng cường giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố…
Lâm Ngọc (Theo Thời báo Ngân hàng)